Để trở thành một trong 77.000 thí sinh trúng tuyển vào trường THPT công lập tại TP.HCM trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 diễn ra vào đầu tháng 6 thì phải có những kỹ năng cần thiết trong quá trình làm bài thi.
Những giáo viên có kinh nghiệm trong việc ôn tập, chuẩn bị kiến thức cho học sinh (HS) lớp 9 nhiều năm qua tại TP.HCM đã có những hướng dẫn để HS làm bài thi lớp 10 đạt kết quả tốt nhất.
Kỹ năng cho từng câu hỏi môn toán
Với cấu trúc đề thi môn toán, giáo viên Nguyễn Tiến Thùy, Trường THCS Hà Huy Tập (Q.Bình Thạnh), cho biết cần có kỹ năng và lưu ý cụ thể cho từng câu hỏi.
Trong đó, kiến thức nhận biết, thông hiểu nằm ở 2 câu đầu, các câu còn lại là vận dụng và tính phân hóa thể hiện từ câu số 4 trở đi.
Đối với 2 câu đầu là 2 câu dễ lấy điểm nhất, khi làm bài HS phải trình bày các bước đầy đủ, rõ ràng, làm cẩn thận để tránh bị mất điểm "lãng nhách".
Các bài toán thực tế trong đề thi đề cập chủ yếu về toán phần trăm, tính tiền điện, tiền nước, tính thể tích, diện tích… Đây là những vấn đề diễn ra trong cuộc sống hằng ngày được dẫn dắt để sử dụng kiến thức toán học vào giải quyết.
Theo cô Thùy, để giải được dạng toán này, HS cần chú ý các yếu tố, dữ liệu trong đề, phân tích đề bài xem dữ liệu là gì và liên quan đến kiến thức ra sao. Các bài toán thực tế thông thường sẽ được đưa về dạng toán tính phần trăm, giải bài toán bằng cách lập phương trình, hệ phương trình… Vì vậy khi làm bài HS đọc kỹ đề, tự viết các dữ liệu trong đề thành một bài toán theo công thức toán học đã được học.
Câu số 8 trong đề thi là về hình học phẳng, kiến thức chủ yếu tập trung ở chương đường tròn gồm có tiếp tuyến, dây cung, góc ở tâm, góc nội tiếp… Để giải được dạng toán này, HS cần vẽ đúng hình, vì nếu sai thì bài sẽ không được chấm. Như vậy HS sẽ mất 3 điểm của bài thi.
Môn văn: cần chú trọng viết đúng
Giáo viên Võ Kim Bảo, tổ trưởng tổ ngữ văn, Trường THCS Nguyễn Du (Q.1), cho hay đề thi tuyển sinh lớp 10 môn ngữ văn của TP.HCM luôn được ra theo hướng phát huy phẩm chất và năng lực người học. HS chỉ cần đảm bảo kiến thức cơ bản theo yêu cầu cần đạt của chương trình học là có thể đáp ứng được yêu cầu của đề bài.
Đề thi chú trọng kỹ năng, năng lực thực tế của HS nên khi chấm thi, các nội dung về kỹ năng, phẩm chất, năng lực được chú trọng và có thang điểm cao. Chính vì vậy, để có thể hoàn thành tốt nhất bài thi tuyển sinh lớp 10 thay vì lệ thuộc vào văn mẫu, HS phải có sự chuẩn bị kỹ năng đọc hiểu, kỹ năng viết, kỹ năng phân tích đề…
Giáo viên Kim Bảo nói rằng: Viết văn hay là điều không bắt buộc, điều cần chú trọng nhất là viết đúng.
Chẳng hạn khi làm phần đọc - hiểu, HS phải viết câu đúng. Khi viết bài văn thì phải đúng bố cục, viết đoạn đúng phương pháp. Trong kỳ thi tuyển sinh, viết đúng là có thể đạt điểm tốt.
Đối với từng phần yêu cầu của đề thi, giáo viên Trường THCS Nguyễn Du hướng dẫn cách làm bài: Phần đọc hiểu với ngữ liệu có thể là văn bản nghị luận, văn bản thông tin, văn bản văn học, văn bản khoa học… Các câu hỏi trong phần này sẽ được sắp xếp từ dễ đến khó. Tuy nhiên, "khó" ở đây không có nghĩa là phức tạp, câu hỏi "khó" chỉ dừng ở mức độ vận dụng. HS chỉ cần hiểu đúng vấn đề, nắm vững kỹ năng là có thể hoàn thành tốt yêu cầu của đề. Khi đọc ngữ liệu, HS dùng bút gạch chân, ghi chú vào các chi tiết dùng để phục vụ cho việc trả lời các câu hỏi. Câu trả lời cần được viết thành một câu hoàn chỉnh, đủ chủ ngữ, vị ngữ, tránh viết tắt, viết từ khóa…
Phần nghị luận xã hội, kỹ năng yếu nhất của HS là trình bày dẫn chứng. Có HS nêu dẫn chứng không phù hợp cũng là một điều rất lãng phí.
Phần nghị luận xã hội, với đề 1, HS cố gắng chỉ ra mối tương quan giữa các tác phẩm, chú trọng những đoạn, những chi tiết làm nên giá trị tinh thần cốt lõi của tác phẩm. Đề 2 đặt ra một tình huống cụ thể và yêu cầu HS sử dụng kiến thức, sự trải nghiệm (văn học và đời sống) trong quá trình đọc để giải quyết tình huống ấy.
Theo giáo viên Võ Kim Bảo, cần tránh định kiến cho rằng đề 2 là đề nâng cao, có độ khó và yêu cầu cao hơn so với đề 1.
Nguồn: Thanh niên