Tải: Cơ hội chuyển tiếp Đại học và Du học cùng SITC
Đa dạng phương thức tuyển sinh
Thời điểm này, mùa tuyển sinh ĐH- CĐ năm 2020 đã khởi động khi các trường bắt đầu rục rịch công bố phương án tuyển sinh. Nhìn vào phương án tuyển sinh và chỉ tiêu cụ thể vào từng ngành đào tạo mà một số trường ĐH đã công bố có thể thấy bên cạnh việc sử dụng phương thức tuyển sinh dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia, nhiều cơ sở đào tạo ĐH- CĐ sử dụng đa dạng các phương thức tuyển sinh khác. Đây không chỉ là lợi thế lớn đối với học sinh mà còn là cách thức để các trường có thêm nhiều nguồn tuyển, kỳ vọng tăng chất lượng đầu vào.
Cụ thể, tại ĐH Quốc gia Hà Nội, kỳ tuyển sinh năm nay, 11 đơn vị thành viên của trường sẽ tuyển khoảng 10.000 chỉ tiêu đào tạo hệ chính quy. Ngoài phương thức tuyển sinh căn cứ theo kết quả kỳ thi THPT quốc gia, trường còn sử dụng phương thức tuyển thẳng với học sinh đáp ứng các quy định đặc thù của trường và xét tuyển với học sinh có chứng chỉ quốc tế như IELTS, A-Level... Với Trường ĐH Giao thông Vận tải, PGS. TS Nguyễn Thanh Chương - Phó Hiệu trưởng cho hay, nhà trường dự kiến dành khoảng 90% chỉ tiêu xét tuyển từ kết quả kỳ thi THPT quốc gia, còn lại là chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển học bạ. Hay tại trường ĐH Tài nguyên & Môi trường Hà Nội, nhà trường cũng sử dụng song song hai phương thức, trong đó chỉ tiêu được cân đối giữa hai phương thức là 50%-50%.
Một số trường khác như Trường ĐH Thủy lợi, Học viện Báo chí và tuyên truyền, Học viện Tài chính… thì ngoài phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi THPT quốc gia, các trường này dự kiến sẽ tăng chỉ tiêu cho phương thức tuyển thẳng với học sinh giỏi các trường chuyên trên cả nước và phương thức xét tuyển học bạ.
Ở phía Nam, Trường ĐH Luật TP. HCM cũng vừa thông tin sẽ không tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực, mà thay vào đó sẽ áp dụng 2 phương thức tuyển sinh độc lập là: Xét tuyển thẳng và xét tuyển dựa vào kết quả thi THPT quốc gia.
Nhận định về điều này, TS Lê Viết Khuyến - Hiệp hội Các trường ĐH- CĐ Việt Nam cho rằng, việc các trường sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh, giảm dần sự phụ thuộc vào kỳ thi THPT quốc gia là xu hướng phù hợp và cần thiết. Đây cũng là cách thức các trường phát huy quyền tự chủ theo Luật Giáo dục ĐH (sửa đổi), đồng thời thể hiện trách nhiệm xã hội trong việc nâng cao chất lượng tuyển sinh và đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.
Nhiều ngành học “hot”
Mùa tuyển sinh 2020, việc các trường mở thêm nhiều mã ngành, chương trình mới cũng là để bắt kịp với xu thế phát triển. Điều này xuất phát từ cơ chế mở rộng quyền tự chủ của Luật Giáo dục ĐH (sửa đổi), với quy định các trường được tự chủ trong việc mở ngành.
Đơn cử như ĐH Quốc gia Hà Nội mở thêm 17 ngành học mới, trong đó có một số ngành đào tạo thí điểm như: Khoa học dữ liệu, Kỹ thuật Điện tử và Tin học; Quản lý phát triển đô thị và bất động sản; Công nghệ tích hợp giám sát tài nguyên và môi trường; Sư phạm Lịch sử và Địa lý; Giáo dục Tiểu học; Giáo dục mầm non; Điều dưỡng; Hàn Quốc học, Văn hóa học, Nhật Bản học… Một số chương trình đào tạo song bằng như: Marketing; Quản lý… Những ngành học mới đa phần liên quan đến các lĩnh vực công nghệ hoặc những ngành có nhu cầu lao động tăng cao trong những năm tới.
Còn Trường ĐH Kinh tế quốc dân mở thêm một số chương trình và ngành mới, trong đó có 3 chương trình mới đào tạo bằng tiếng Anh và 3 ngành mới được phát triển lên từ các chuyên ngành trước đây. Cụ thể, 3 chương trình mới đào tạo bằng tiếng Anh gồm: Kiểm toán tích hợp chứng chỉ quốc tế, Kinh tế học tài chính, Logistic và Quản lý chuỗi cung ứng. 3 ngành mới gồm: Tài chính doanh nghiệp, Tài chính công và Ngân hàng; Kiểm toán (là 1 trong các chuyên ngành trong ngành Kế toán được nâng lên thành ngành độc lập). Trường ĐH Giao thông Vận tải dự kiến tuyển sinh 3 ngành mới: Quản trị du lịch, Logistics và Kiến trúc. ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tuyển sinh mới 5 ngành gồm: Marketing - Truyền thông; Quản trị khách sạn; Logistics và Quản trị chuỗi cung ứng; Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm; Sinh học ứng dụng.
Mới đây nhất, tại phiên họp Tiểu ban phát triển nhân lực Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực vừa qua, các nhận định về xu thế ngành nghề tương lai cũng đã được chỉ ra. Theo đó, CMCN 4.0 sẽ tạo ra những thay đổi lớn về cung - cầu lao động. Trong cuộc cách mạng này, thị trường lao động sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng giữa cung và cầu lao động cũng như cơ cấu lao động. Bên cạnh việc mất dần những ngành nghề truyền thống sử dụng nhiều lao động, cuộc CMCN 4.0 cũng xuất hiện nhiều ngành nghề mới, gắn với đặc trưng của cuộc cách mạng này như: Ngành điện tử, viễn thông, số hóa, kỹ thuật viên máy tính, an ninh mạng, in 3D… Trong tương lai, những lao động bị mất việc làm do sự phát triển của robot và công nghệ tự động hóa sẽ dịch chuyển sang những ngành mới này. Tuy nhiên, không phải dễ dàng khi chuyển đổi ngành nghề, nhất là những ngành mới đòi hỏi nhiều tri thức. CMCN 4.0 là cuộc cách mạng số nhưng nhân lực chất lượng cao trong các ngành công nghệ thông tin, kỹ thuật máy tính, tự động hóa của Việt Nam đang quá ít. Theo dự báo nhu cầu nhân lực công nghệ thông tin tăng thêm 47% mỗi năm, trong khi đó số sinh viên ngành công nghệ thông tin ra trường lại chỉ tăng 8%/năm. Trong số nhân lực ấy, không phải tất cả đều có thể đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng.
Một nghiên cứu mới đây cho thấy, có tới 72% số sinh viên ngành công nghệ thông tin không có kinh nghiệm thực hành, 42% số sinh viên thiếu kỹ năng làm việc nhóm.
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc mở thêm những ngành học mới xuất phát từ nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao là hướng đi tất yếu. Tuy nhiên, việc một vài ngành “hot” được mở ồ ạt cũng dẫn đến những lo ngại về sự bão hòa của thị trường nhân lực trong tương lai.
TS Phạm Mạnh Hà - chuyên gia tư vấn hướng nghiệp cho rằng, nhiều học sinh thiếu thông tin nên chọn nghề không phù hợp bản thân hoặc khó xin được việc làm sau khi tốt nghiệp. Còn PGS.TS Hoàng Minh Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội phân tích, hiện nay, tiêu chí sinh viên có việc làm được thí sinh và xã hội quan tâm. Nếu mở ngành mới nhưng đào tạo không gắn với thị trường, sinh viên không có việc làm cũng đồng nghĩa với việc các trường sẽ tự hạ thấp uy tín của mình.