Nếu người Việt bắt đầu câu chuyện bằng tách trà thì người phương Tây mở màn một buổi gặp mặt trang trọng bằng rượu vang. Rượu vang như một thức uống không thể thiếu và một nét văn hoá đẹp tại nhiều quốc gia. Chính vì vậy, rượu vang trở thành một kiến thức không thể thiếu đối với những bạn trẻ theo đuổi nghề nghiệp trong lĩnh vực Quản trị nhà hàng khách sạn. Sẽ không ngoa khi nói rằng bên cạnh những nghiệp vụ thì việc trang bị kiến thức mở rộng như thế này là chìa khoá để nhân sự lĩnh vực Quản trị nhà hàng khách sạn tiến xa trên con đường nghề nghiệp .

Bài viết dưới đây sẽ chỉ cho bạn cách phân biệt căn bản về các loại rượu vang. Theo chân phóng viên SITC để tìm hiểu nhé. 

1. Cách phân biệt theo màu: Trắng, hồng, đỏ

Chữ "rượu vang" là cách dịch từ chữ "vin" trong tiếng Pháp, có nghĩa tương đương với tiếng Anh là "wine". Rượu vang thường được làm từ nho. Có rất nhiều loại nho mà chúng ta dễ thấy từ màu của da nho như: nho xanh, nho đỏ, nho đen. Màu của rượu vang cũng mang màu da của nho.

Trong thực tế, có cả 1000 loại rượu vang tuỳ thuộc vào loại nho và cách lên men. Có thể hiếm người nào biết hết tất cả loại rượu vang vì chúng ta chỉ là người uống thôi. Tựu trung lại, rượu vang có thể xếp thành 3 nhóm chính theo màu:

• Rượu trắng (white wine): không nói ra thì các bạn cũng biết đây là loại rượu mà nước màu trắng, nhưng không trắng như rượu đế, mà là trắng vàng. Những rượu trắng tiêu biểu làm từ giống nho Chardonnay, Semillon, Marsanne, Sauvignon Blanc, Riesling, Moscato và Pinot Grigio.

• Rượu hồng (Rosé wine): đây là loại rượu màu hồng hồng, chớ không phải màu hồng như chúng ta hay thấy. Một số nho tiêu biểu để làm rượu hồng là Grenache, Syrah và Zinfendel.

• Rượu đỏ (red wine): đây là loại rượu thường 'mạnh' hơn rượu trắng và hồng. Rượu đỏ có thể làm từ nhiều loại nho, nhưng tiêu biểu phải kể đến Pinot Noir, Beaujolais, Merlot, Shiraz, Malbec và Cabernet Sauvignon.
​​​​​​​

2.  Phân biệt theo vị: Khô và ngọt

Rượu vang có thể phân biệt theo mùi vị, và có 2 loại chính: dry (khô/nhạt) và ngọt. Rượu nhạt là loại có nồng độ đường dưới 1%, và do đó khi uống vào chúng ta không có cảm giác 'vương vấn'. Còn rượu ngọt (còn gọi là 'wet wine' - rượu ướt) thì có mùi vị ngọt với nồng độ đường trên 20%.

3.  Phân biệt theo nồng độ alcohol: nhẹ, trung, đậm

Thuật ngữ quan trọng nhứt ở đây là 'Body', có nghĩa là 'hương vị' (không có nghĩa thông thường là 'thân thể'). Hương vị là yếu tố rất quan trọng để định hình một loại rượu vang. Hương vị không có liên quan gì đến chất lượng của rượu. Nồng độ alcohol trong rượu là yếu tố chính để xác định hương vị. Dựa vào nồng độ alcohol, người ta chia rượu vang thành 3 nhóm: nhẹ, trung và đậm.

3.1. Rượu Nhẹ (light-body)

Nói nôm na, đây là loại rượu nhẹ, với nồng độ alcohol chừng 12.5% hay thấp hơn. Rượu light-bodied thường ngọt ngọt, nhưng vẫn có mùi alcohol. Do đó, những rượu loại này thường được phục vụ như là món khai vị, khởi đầu buổi tiệc. Dưới đây là một số loại rượu trong nhóm này:

• Rượu sùi (sparkling wine): Đây là loại rượu nhẹ và như tên gọi là nó có bọt, thường có vị ngọt. Loại này bao gồm 3 loại rượu chính: Champagne, Prosecco và Cava.

• Rượu trắng nhẹ (light bodied white wine) Đây là loại rượu trong nhóm light-bodied, tức nồng độ alcohol thấp hơn 12.5%, nước rất trong, và nên để trong tủ lạnh trước khi uống. Rượu này rất dễ uống trong mùa hè và có thể dùng với rất nhiều thực phẩm khác nhau như hải sản, salad, thịt gà, cheese, v.v. Có 3 loại rượu rất phổ biến trong nhóm này: Sauvignon Blanc, Pinot Grigio, Soave.

• Rượu trắng ngọt: Đây là loại rượu tương đối ngọt và thơm vì làm từ loại nho có mùi thơm. Nó thường thuộc nhóm 'rượu khô/nhạt' (dry wine). Mùi vị của loại rượu này thường có mùi trái cây và hoa. Loại rượu này đi rất 'êm' với các món ăn Thái (như canh chua) và các món tráng miệng: Riesling, Moscato.

• Rượu tráng miệng (dessert wine): Đây là loại rượu dùng sau bữa ăn để làm tăng sự thăng hoa của bữa ăn. Rượu loại này được làm từ loại nho ngọt, nên vị của nó cũng ngọt nhưng mùi thì có chút mãnh liệt. Các nhãn phổ biến trong nhóm này bao gồm: Port, Sherry, Madeira.

• Rượu đỏ nhẹ (light bodied red wine): Đây là loại rượu có màu đỏ nhạt và hương vị nhẹ, rất phổ biến với các món ăn nấu bằng kem và cheese: Pinot Noir, Beaujolais.
​​​​​​​

3.2. Rượu Trung (medium-body)

Nhóm này có nồng độ alcohol từ 12.5 đến 13.5%. Mùi vị của rượu trong nhóm này thường là nhạt, phẳng, và có khi ngọt ngọt, rất dễ uống. Đây là loại rượu dành cho những người muốn thưởng thức rượu mà không quá quan tâm đến các chi tiết về kĩ thuật và chất lượng.

• Rượu rosé: Như tên gọi, đây là rượu có màu hồng (xuất phát từ da của trái nho). Rượu loại này thường có mùi vị trái cây, trong veo, và có thể 'khô' và 'ngọt'. Loại rượu này nằm giữa khoảng cách rượu trắng và rượu đỏ, có thể đi cùng các món ăn như thịt gà chiên, thịt heo nướng và các món ăn Hy Lạp. Một số loại phổ biến là: Grenache, Syrah, và Zinfendel.

• Rượu đỏ trung (medium bodied red wine): Đây là rượu làm từ nho da đỏ đậm, có hương vị 'thăng hoa'. Rượu này thường dùng với các món ăn Ý, hamburger, súp, và thịt nướng: Merlot, Grenache, và Zinfandel.

3.3.  Rượu Đậm (full-body)

Đây là loại rượu có nồng độ alcohol trên 13.5%. Do đó, mùi vị của rượu thường được mô tả là mạnh và vững chãi (robust). Đa số rượu đỏ thuộc nhóm này, nhưng dĩ nhiên một số rượu trắng cũng có thể là full-bodied. Rượu loại này thường được lên men trong gỗ sồi và làm từ loại nho có vỏ dày, được trồng ở những vùng có nhiệt độ ấm. Những người sành điệu thưởng thức rượu vang rất thích loại rượu này vì không chỉ mùi vị mạnh mà còn 'vương vấn' ở miệng sau khi uống.

• Rượu trắng 'đậm' (full-bodied white wine): Rượu này như tên gọi vẫn là rượu trắng, có nồng độ alcohol cao hơn 13.5%, được làm từ nho xanh. Mùi vị rất êm và mịn như kem. Đây là rượu có thể 'đi' với hải sản, thịt gà, và cheese. Tiêu biểu là Chardonnay, Semillon và Marsanne.

• Rượu đỏ đậm (full-bodied red wine): Như tên gọi, đây là loại rượu có màu đỏ đậm, vì làm từ loại nho da đen hay da đỏ đậm. Hương vị của nó thường rất sắc và dày. Loại rượu này thường đi với các món ăn như thịt bò steak, thịt xông khói, thịt nướng, v.v. Những nhãn hiệu phổ biến trong nhóm này bao gồm: Shiraz, Malbec, và Cabernet Sauvignon.

Rượu vang có thể phân chia theo màu (trắng, hồng, đỏ), hay theo vị (khô, ngọt), hay theo nồng độ alcohol (nhẹ, trung, đậm). Chất lượng rượu có thể đánh giá qua 5 tiêu chuẩn: tính cân đối, tính phức tạp, tính tiêu biểu, cường độ và chiều sâu. Hi vọng rằng những kiến thức căn bản này đã giúp các bạn hiểu hơn về rượu vang.

Với những chia sẻ trên đã một phần nào giúp chúng ta hiểu hơn về cách phân biệt các loại rượu vang theo màu sắc, khẩu vị và cuối cùng là theo nồng độ alcohol. Phóng viên SITC mong rằng những bạn theo đuổi ngành Quản trị nhà hàng khách sạn sẽ không còn khó khăn trong việc lựa chọn rượu vang để ghi điểm với khách hàng.

 

 

 

​​​​​​​

Nguồn: Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn


Bài viết khác
Bạn đã sẵn sàng chưa?

Chương trình tuyển sinh 2024

Lựa chọn mới, tương lai mới
  • CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO CHẤT LƯỢNG
  • MÔI TRƯỜNG HỌC TẬP NĂNG ĐỘNG, HIỆN ĐẠI
  • TIẾNG ANH TĂNG CƯỜNG
  • SẴN SÀNG CHINH PHỤC CƠ HỘI MỚI
hocsinh

Để có thông tin nhanh nhất!

Đừng bỏ lỡ những sự kiện hoạt động và chương trình học tập của trường
Asset 5