Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp vừa có văn bản hướng dẫn việc thi tốt nghiệp. Đây được cho là giải pháp tốt cho giáo dục nghề nghiệp, tuy nhiên các chuyên gia cũng lưu ý những điểm để đảm bảo chất lượng đánh giá.
Khẩn trương lên kế hoạch thí điểm
Trường CĐ Thương mại và du lịch Hà Nội là trường đang chuẩn bị để thí điểm thi tốt nghiệp tại doanh nghiệp (DN) với ngành đầu tiên là quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống.
Cô Trịnh Thị Thu Hà - hiệu trưởng nhà trường - cho hay: "Trường đang chuẩn bị cho 50 sinh viên ngành quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống sang năm thi tốt nghiệp tại DN. Vì thí điểm nên trường chọn một ngành không quá đông sinh viên, về sau mới nhân rộng sang các ngành khác. Thi tốt nghiệp tại DN, đây là phương án giải quyết được vấn đề mang tính bản chất của chất lượng lao động gắn với thị trường lao động".
Cũng theo cô Hà, tổ chức cho sinh viên kiểm tra kết thúc các môn, thi tốt nghiệp tại DN là nhà trường phải "rà" DN với những điều kiện đảm bảo.
"Điều kiện DN thì nhà trường phải lựa chọn, mà nói đúng hơn là phối hợp với nhau để tổ chức tốt cho sinh viên. Vậy DN đó phải có quy mô lớn, chuyên nghiệp; hoạt động của DN đó gắn với nền tảng đào tạo, không quá xa rời so với tiêu chuẩn chung của ngành nghề. Tiếp đến là vấn đề cán bộ trong hợp tác. DN có những cán bộ điều phối, và cán bộ tham gia đánh giá sinh viên thi, họ phải có chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp, có khả năng sư phạm, vững chuyên môn... để có thể đánh giá thi tốt nghiệp được, vì ở DN có những vị trí khác nhau", cô Hà dẫn ra những điều kiện.
Tương tự, Trường CĐ nghề Công nghiệp Hà Nội cũng đang lên kế hoạch, dự kiến tháng 4 nhà trường sẽ trao đổi cụ thể số lượng sinh viên thi và về đề thi tốt nghiệp phần thực hành tại DN.
Cô Phạm Thị Hường - hiệu trưởng nhà trường - cho biết: "Năm nay trường có gần 1.000 sinh viên tốt nghiệp. Nhưng dự kiến sẽ có hơn 300 sinh viên ngành điện (điện tử, điện lạnh) và ngành cơ khí (cơ điện tử, cắt gọt kim loại) thi tốt nghiệp tại DN. Sang năm sẽ thêm ngành công nghệ ô tô. Trường sẽ thí điểm thi tốt nghiệp ở 5 công ty. Hai môn lý thuyết là chính trị pháp luật và cơ sở ngành sẽ thi online, còn phần thực hành thi tại DN".
Cô Hường cũng đánh giá những tác động tích cực khi thi tốt nghiệp tại DN, nhưng cô cho rằng có những khó khăn.
"Đó là tổ chức ôn luyện, trang thiết bị, đội ngũ ở DN tham gia kỳ thi. Điều này ở trường không khó nhưng khó với DN, nhưng trường sẽ kết hợp để huấn luyện cán bộ tham gia thi", cô Hường nói.
Tránh đánh bóng đào tạo gắn với DN
TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên thành viên Tổ tư vấn UB Quốc gia đổi mới GD-ĐT - cho rằng để thi hoàn chỉnh một kỹ năng nào đó, cần chuyên gia DN.
Các nước mời chuyên gia DN vào trong trường, giám sát chấm thi sinh viên, họ có chứng chỉ của đánh giá viên, đúng quy trình đào tạo.
"Ở ta, nếu không có thì không nên làm. Hoặc phải mời được chuyên gia DN đánh giá, còn không có phải phối hợp với giáo viên trong trường, để tăng cường đào tạo tại nơi làm việc. Còn các nước khác đào tạo gắn DN thì có chuỗi liên kết, kết hợp học trong trường mấy buổi, DN mấy buổi trong 1 tuần rồi mới được thi tốt nghiệp. Tinh thần chung ở ta hiện nay là các DN không có chuyên gia, phải kết hợp với nhà trường như thế nào đó, quy chế chặt chẽ, cam kết với nhau. Người đánh giá sinh viên đòi hỏi có kỹ năng, năng lực; đánh giá đảm bảo kỹ, đạo đức, tính trung thực, liêm chính", ông Vinh đưa ra lưu ý.
Ông Vinh cũng nhìn nhận rằng giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam không chỉ có kỹ năng nghề học ở DN mà còn có những giá trị khác, những giá trị khác này không thể thi ngay tại DN.
Ông Vinh bày tỏ: "Tránh việc đánh bóng đào tạo gắn bó với DN. Nó là câu chuyện dài, gắn với lợi ích các bên. Một là người ta có năng lực, hai là DN đó là gì. Vì thế nên phối hợp vừa học tại DN vừa học tại nhà trường là tốt nhất".
Nguồn: Báo Tuổi trẻ online.