- Từ 2015 - 2021, đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH mang lại nhiều thay đổi tích cực, tác động đến quá trình đổi mới giáo dục, đào tạo. Nhưng với nhiều mục tiêu, có khi mâu thuẫn nhau, làm nảy sinh bất cập, tiêu cực.
- Do mục tiêu kỳ thi THPT quốc gia 2 trong 1 (xét tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ) nên đề thi khó hơn, phân hóa cao hơn. Do đó, khi tính điểm tốt nghiệp của thí sinh (TS) có sự tham gia 50% trung bình học bạ lớp 12 và 50% trung bình điểm thi. Từ đây, một số cơ sở giáo dục đã đánh giá, cho điểm học sinh (HS) nới lỏng hơn. Từ năm 2020, điểm học bạ chỉ tham gia 30%, nhưng việc nới lỏng này vẫn không giảm, do các trường ĐH dành một phần chỉ tiêu cho xét tuyển bằng học bạ.
- Để tạo thuận lợi cho TS, từ năm 2017, việc tổ chức thi THPT giao cho địa phương chủ trì, các trường ĐH phối hợp coi thi và giám sát chấm thi. Điều này đã tạo kẽ hở cho gian lận nảy sinh, điển hình là vụ gian lận thi xảy ra ở 3 tỉnh Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình năm 2018, không chỉ làm giảm uy tín của giáo dục mà còn cản trở tiến trình đổi mới.
- Năm 2021, điểm cao tăng đột biến, tổng số bài thi đạt điểm 10 của 9 môn là 24.555, cao gấp 4 lần năm 2020. Từ đó, điểm chuẩn ĐH có trường, ngành tăng xấp xỉ 11. Có 165 TS đạt 27 điểm trở lên (chưa cộng điểm ưu tiên) bị trượt ĐH.
- Đồng thời, theo hướng tự chủ, để tuyển được nhiều TS, có trường đã thông báo trúng tuyển theo hình thức xét học bạ trước khi TS dự thi tốt nghiệp. Nhờ xét tuyển bằng học bạ, nhiều TS có điểm thi THPT thấp (năng lực thực chất thấp) nhưng đã đỗ ĐH. Do năng lực không đáp ứng nên số sinh viên ĐH, CĐ bị buộc thôi học những năm gần đây tăng cao, gây tốn kém, lãng phí nguồn lực xã hội.
Tiếp tục thực hiện kỳ thi tốt nghiệp THPT theo luật Giáo dục nhưng phải đảm bảo có sự phân hóa tốt. Môn giáo dục công dân có thể có thêm phần thi tự luận, môn ngoại ngữ có thể chia làm 2 loại đề 7 năm và 10 năm, TS muốn xét tuyển theo tổ hợp có ngoại ngữ phải thi đề 10 năm.
Các trường ĐH thực hiện tự chủ trong tuyển sinh bằng nhiều hình thức, đa dạng như: thi đánh giá năng lực, xét tuyển theo điểm học bạ nhưng điểm thi đạt một mức nào đó, tuyển thẳng theo diện HS giỏi, đạt giải các kỳ thi... Khuyến khích các ĐH vùng, các trung tâm khảo thí độc lập tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực thông qua máy tính nhiều lần trong năm. Và trường ĐH tuyển sinh nhiều lần trong năm.
Thực hiện tốt giáo dục hướng nghiệp và phân luồng triệt để. Sau THCS có 30 - 35% HS học nghề nghiệp, sau THPT có 40% HS học trường nghề. Tạo điều kiện cho trường nghề dạy văn hóa theo chương trình giáo dục thường xuyên do sở GD-ĐT quản lý, học viên trường nghề đủ điều kiện có thể dự thi tốt nghiệp THPT.
Xây dựng các hệ thống đánh giá quốc gia đối với HS các lớp 3, 5, 7, 9, 11 thông qua hệ thống mạng máy tính, tương tự kỳ đánh giá HS quốc gia (NAPLAN) của Úc, nhằm đối sánh chất lượng giáo dục giữa các trường, các vùng. Tiến tới, HS VN tham giá đánh giá PISA thực hiện trên máy tính như các nước.
Thí điểm HS THPT học theo hệ thống tín chỉ. Những HS học xong tín chỉ môn học THPT có thể được học tín chỉ ở trường ĐH (như nhiều nước đã làm). Song song với đó là tổ chức thi tốt nghiệp THPT theo hình thức 3 bài thi: ngữ văn (tự luận), khoa học tự nhiên - kỹ thuật (tổ hợp các môn toán, lý, hóa, sinh, công nghệ, tin học) hoặc khoa học xã hội (sử, địa, giáo dục kinh tế và pháp luật, nghệ thuật, tin học), và ngoại ngữ.
Khi hệ thống đánh giá quốc gia hoạt động tốt và các trung tâm khảo thí độc lập thực hiện đánh giá năng lực HS nhiều lần trong năm, kỳ thi tốt nghiệp THPT có thể giao cho các địa phương thực hiện.
Nguồn: Báo Thanh Niên