Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Hữu Độ yêu cầu các trường THCS lấy phiếu khảo sát nhu cầu học sinh chọn môn theo chương trình lớp 10 mới, hoàn thành vào cuối tháng 4-2022.
Khảo sát bằng phiếu hỏi
Trong hai tuần đầu tháng 4-2022, lãnh đạo Bộ Giáo dục và đào tạo đã làm việc với nhiều địa phương về việc tiếp tục chuẩn bị triển khai chương trình mới, đặc biệt là chương trình lớp 10 với việc xây dựng các tổ hợp môn để học sinh lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp.
Tại buổi làm việc với Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội vào ngày 14-4, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đề nghị với Hà Nội nhưng cũng là chỉ đạo chung với các sở giáo dục và đào tạo trên cả nước, một số nội dung liên quan tới chuẩn bị triển khai dạy học lớp 10 theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Theo đó, ông Độ lưu ý sở phải chỉ đạo các phòng giáo dục và đào tạo triển khai việc lấy phiếu khảo sát với học sinh lớp 9, về nhu cầu lựa chọn tổ hợp môn học ở lớp 10 tương ứng với xu thế lựa chọn nghề nghiệp theo lĩnh vực nào. Việc này phải hoàn thành chậm nhất vào cuối tháng 4-2022.
"Không phải chỉ thăm dò, phán đoán chung chung, mà phải có khảo sát qua phiếu câu hỏi rõ ràng để nắm xu hướng lựa chọn của học sinh. Căn cứ vào nhu cầu đó và điều kiện thực tế của nhà trường (giáo viên, cơ sở vật chất), các trường xây dựng các tổ hợp môn học, làm sao phát huy được tối đa năng lực của nhà trường và đáp ứng được nhiều nhất có thể nhu cầu của người học", ông Độ cho biết.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cũng yêu cầu sau khi xây dựng các tổ hợp môn học/chuyên đề, các trường THPT phải công bố công khai, rộng rãi để phụ huynh, học sinh biết.
Dựa trên thông tin công bố, học sinh có thể đăng ký nguyện vọng vào các trường THPT khác nhau, nơi có tổ hợp môn học mà học sinh muốn học. Vì thế, các trường THPT phải thực hiện xong việc này vào tháng 5-2022, trước mùa tuyển sinh đầu cấp THPT.
Cần có tổ tư vấn trong các trường THPT
Ông Độ cũng khuyến khích các trường THCS có các hoạt động tư vấn hướng nghiệp cho học sinh. Các trường THPT phải thành lập tổ tư vấn đồng hành với học sinh để sẵn sàng giải đáp thắc mắc, tư vấn cho học sinh lựa chọn các nhóm môn học, chuyên đề phù hợp với sở thích, năng lực nằm trong số các tổ hợp được trường xây dựng.
Những nội dung trên sẽ được thể hiện trong hướng dẫn của Bộ Giáo dục và đào tạo tiếp tục triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó có nội dung xây dựng tổ hợp môn học ở lớp 10.
Trong buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Giáo dục và đào tạo, hiệu trưởng một số trường THPT tại Hà Nội cho biết đang tạm thời xây dựng các tổ hợp môn học theo 2 xu thế chính: nhóm các môn khoa học tự nhiên và nhóm các môn khoa học xã hội. Còn nhóm môn học nghệ thuật, hầu hết các trường đều đang gặp khó khăn.
"Hiện chúng tôi chưa có giáo viên dạy mỹ thuật, âm nhạc. Dĩ nhiên chúng tôi có thể chọn giải pháp hợp đồng với giáo viên bên ngoài. Nhưng hiện chưa rõ nhu cầu của học sinh thế nào nên chưa thể xúc tiến", bà Nguyễn Thị Hiền, hiệu trưởng Trường THPT Kim Liên (quận Đống Đa, Hà Nội), cho biết.
Còn ông Nguyễn Quốc Nam, hiệu trưởng Trường THPT Tiền Phong A (huyện Mê Linh), cho biết đang dự kiến nhiều phương án. Ví dụ có thể xin cơ chế luân chuyển giáo viên nghệ thuật ở các bậc học dưới lên dạy lớp 10. Hoặc có phương án khác là tổ chức lớp học môn nghệ thuật chung cho học sinh trên toàn huyện, bao gồm học sinh của 6 trường THPT.
Xu thế chung là các trường xây dựng các lớp học tương ứng với một số tổ hợp môn khác nhau để học sinh lựa chọn.
Có nhiều trường THPT ở Hà Nội, số giáo viên các môn khoa học tự nhiên nhiều hơn khoa học xã hội. Ví dụ Trường THPT Kim Liên, giáo viên các môn lý, hóa, sinh gần gấp đôi số giáo viên các môn lịch sử, địa lý, giáo dục công dân. Với tình hình này, sẽ phải bố trí số lớp chọn tổ hợp môn khoa học tự nhiên nhiều hơn lớp khoa học xã hội.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ online