Một kỳ thi THPT quốc gia nữa lại cận kề. Bên cạnh những lo lắng về việc học, ôn thi, chọn trường, chọn ngành của thí sinh và phụ huynh, dư luận xã hội vẫn rất quan tâm đến việc kiểm soát gian lận trong kỳ thi quan trọng này. Năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tăng cường nhiều giải pháp chống gian lận.
|
Trong kỳ thi các khâu phải tuyệt đối cẩn trọng bởi chỉ cần sai sót nhỏ cũng có thể dẫn đến hậu quả khó lường. Ảnh: ICT |
Thêm các biện pháp
Theo quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2020, kỳ thi năm nay, Bộ GD&ĐT sẽ giao trách nhiệm toàn diện cho địa phương và không có sự tham gia sâu của các trường đại học. Ngoài thanh tra cấp sở và bộ, sẽ có sự tham gia của Thanh tra Chính phủ và thanh tra cấp tỉnh, trong đó, Thanh tra Chính phủ sẽ cử đại diện tham gia Ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia.
Điểm khác biệt lớn nhất của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 là đội ngũ cán bộ giảng viên từ trường ĐH không tham gia công tác coi thi, chấm thi... Trong khi đó, lực lượng này trong Kỳ thi THPT quốc gia các năm trước chiếm đến 50%. Vì vậy, để bảo đảm tính khách quan, an toàn, chính xác của kỳ thi, áp lực với các địa phương sẽ lớn hơn nhiều. Để làm được điều này, địa phương phải tăng cường tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm từ người đứng đầu đến từng cán bộ coi thi, người làm công tác thi.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GĐ&ĐT cho biết, cán bộ trường ĐH năm nay không tham gia coi thi, chấm thi nhưng có mặt trong các đoàn thanh tra ở tất cả các khâu của kỳ thi. "Mỗi điểm thi, tùy quy mô số lượng phòng thi, có ít nhất 3 cán bộ giảng viên ĐH làm nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra. Bộ GD&ĐT sẽ thể hiện rõ trách nhiệm quản lý nhà nước trong việc chỉ đạo các trường ĐH tham gia công tác thanh tra, kiểm tra này", ông Trinh nói.
Ngoài ra, theo lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT đã đề ra các biện pháp để bảo đảm đánh giá khách quan, hạn chế những tiêu cực, gian lận trước kỳ thi như áp dụng học bạ điện tử để quản lý kết quả học tập của học sinh, công khai kết quả học tập trong quá trình của học sinh với kết quả thi tốt nghiệp THPT; phân tích mối tương quan giữa điểm học tập và điểm thi để từ đó phát hiện các bất thường (nếu có) và có giải pháp xử lý phù hợp.
Đồng thời, Bộ tiếp tục sử dụng các bài thi trắc nghiệm (trừ môn Ngữ văn). Trong mỗi phòng thi, mỗi thí sinh có một mã đề thi riêng. Bài thi trắc nghiệm sẽ được chấm bằng máy với phần mềm chuyên dụng, dùng chung cho cả nước theo một quy trình chặt chẽ.
“Sau cùng, kết quả thi của các tỉnh và thành phố sẽ được phân tích phổ điểm, yêu cầu các địa phương phải cập nhật lên hệ thống thi kết quả học tập trong học bạ của học sinh, Bộ GD&ĐT sẽ phân tích kết quả thi, phân tích đối chiếu so sánh với kết quả học tập, nếu như có sự gian dối, bệnh thành tích là dễ dàng phát hiện”, ông Mai Văn Trinh nhấn mạnh.
Đề xuất bảo đảm khách quan cho kỳ thi, ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An nêu ý kiến, cần có sự tham gia giám sát từ lực lượng là cán bộ giảng viên các trường ĐH, CĐ để bảo đảm tính khách quan ở cả khâu thanh tra, làm phách, chấm thi trắc nghiệm. “Do cán bộ giảng viên không có liên quan tới các địa phương nên khi tham gia vào các khâu này sẽ bảo đảm khách quan, công bằng, không có sự thiên vị. Dù việc chấm thi trắc nghiệm chủ yếu thực hiện trên máy tính, nhưng yếu tố con người vẫn rất quan trọng”, ông Thái Văn Thành nhấn mạnh.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Nghệ An cũng đề xuất nên tập hợp nhóm thí sinh vào các điểm thi lớn. Đơn cử tại địa phương, không tập trung tất cả thí sinh về TP Vinh vì không đủ đáp ứng, nhưng mỗi huyện, thành, thị chỉ nên có từ 1- 2 điểm thi, tránh tình trạng nhiều điểm thi nhỏ lẻ, khó thanh tra, giám sát chặt chẽ.
“Các đơn vị được chọn làm điểm thi tốt nghiệp THPT nằm ở khu vực trung tâm để học sinh không vất vả di chuyển. Đồng thời phải chuẩn bị cơ sở vật chất tốt, đầy đủ số phòng, trang thiết bị, bàn ghế, điện, quạt mát và khuôn viên rộng rãi, có tường rào ngăn cách với khu dân cư”, ông Thành nêu.
Cần hướng dẫn cụ thể
Đồng tình với các chế tài kiểm soát gian lận trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 song GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng để làm tốt không hề đơn giản, vì vậy Bộ GD&ĐT phải có hướng dẫn chi tiết để các địa phương không làm sai quy định. Bản thân Chủ tịch UBND tỉnh và các lãnh đạo tỉnh cũng phải có chỉ đạo sát sao, không để xảy ra sai sót.
Cũng theo chuyên gia này, kỳ thi THPT quốc gia 2018 Bộ GD&ĐT cũng đã giao cho các trường ĐH tham gia công tác coi thi, chấm thi ở các địa phương, tuy nhiên tiêu cực vẫn xảy ra và đến nay đã đưa ra xét xử nhiều cán bộ tham gia công tác kỳ thi tại Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang. Do vậy, công tác thanh tra, quản lý kỳ thi phải thực sự nghiêm túc, minh bạch ở mọi khâu, chặt chẽ hơn và gắn trách nhiệm tới từng cá nhân và xử lý, kỷ luật nghiêm nếu vi phạm.
Về phía các địa phương, chia sẻ về chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk cho biết, trách nhiệm trong công tác tổ chức kỳ thi này đối với địa phương là rất lớn, các sở GD&ĐT cần lường trước những rủi ro thiên tai, gian lận để có phương án phù hợp, sẵn sàng ứng phó, kiểm soát. “Sở GD&ĐT sẽ tham mưu UBND tỉnh, thành lập Ban chỉ đạo, phân công công việc để tổ chức kỳ thi an toàn, đúng quy chế”, ông Phạm Đặng Khoa thông tin.
Còn ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam nêu quan điểm, trong kỳ thi, các khâu phải tuyệt đối cẩn trọng bởi chỉ cần sai sót nhỏ cũng có thể dẫn đến hậu quả khó lường. Tuy nhiên, để có kỳ thi chất lượng, quan trọng bậc nhất là đề thi, vừa đúng mục đích vừa có độ phân hóa phù hợp, đánh giá được chất lượng dạy học đại trà trên cả nước, chất lượng giáo dục của địa phương. Khâu tiếp theo, vấn đề quản lý bài thi, phát và vận chuyển đề thi, nhất là vùng núi xa xôi cũng cần đặc biệt chú trọng.
Theo https://haiquanonline.com.vn/