Theo Thứ trưởng Bộ LĐ TB&XH Lê Quân, tỷ lệ phân luồng vào học nghề của các nước trong khu vực và thế giới rất cao. Tại hầu hết các nước, tỷ lệ học sinh vào học nghề luôn đạt trên 50%. Việt Nam cũng đặt ra mục tiêu đến 2020 sẽ có 30% học sinh vào học nghề. Tuy nhiên, đến nay tỷ lệ học nghề những năm qua còn thấp do nhiều nguyên nhân, trong đó có tâm lý ưa chuộng… bằng đại học.
Thời gian qua, học sinh và phụ huynh đã ít nhiều thay đổi nhận thức, đó là học để có đủ năng lực đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, và doanh nghiệp chỉ quan tâm người có năng lực phù hợp chứ không chỉ chú trọng đến bằng cấp. Theo thống kê của Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp (Bộ LĐ TB&XH), kết quả tuyển sinh trung cấp trong những năm gần đây có xu hướng tăng, cụ thể năm 2016 tuyển được 290.231 học sinh; năm 2017 là 310.000 học sinh và năm 2018 ước khoảng 320.000 học sinh (trong đó có khoảng 85 - 90% là học sinh tốt nghiệp THCS). Mùa tuyển sinh 2019 kết quả phân luồng tại nhiều địa phương đạt gấp đôi so với 2018. Luật Giáo dục sửa đổi 2019 cho phép các trường nghề được dạy văn hóa THPT và giải quyết tốt khâu liên thông gắn với học tập suốt đời, luật hóa công tác phân luồng... điều này sẽ tạo hành lang pháp lý cho phép kỳ vọng đạt mục tiêu phân luồng 30% vào 2021.
Những năm qua, học sinh tốt nghiệp THPT nhưng không đăng ký xét tuyển đại học vẫn khá cao. Trong số này có rất nhiều em sẽ đi làm công nhân hoặc làm những công việc không qua đào tạo, đây là sự lãng phí lớn. Theo các chuyên gia, nếu như những em này rẽ sang học nghề từ sau THCS thì trong những công việc sau này, các em không dễ bị mất việc, và nếu muốn cũng dễ dàng chuyển đổi sang công việc khác. Vì vậy học tập để có nghề nghiệp ổn định là rất cần thiết.
Thực tế, không chỉ phụ huynh và học sinh, mà ngay cả giáo viên vẫn còn tâm lý chuộng bằng cấp nên hệ thống giáo dục thực hiện phân luồng và định hướng người học không đúng với yêu cầu phát triển của thị trường lao động. Hệ quả là mọi người luôn coi học nghề chỉ dành cho học sinh yếu, kém. Thêm nữa, chất lượng đào tạo liên thông từ học nghề lên đại học và đào tạo đại học tại chức bị coi nhẹ, thả lỏng, dẫn đến xã hội coi người tốt nghiệp đại học liên thông, tại chức kém hơn người tốt nghiệp đại học chính quy.
Trước thực trạng này, Thứ trưởng Lê Quân cho rằng phải phá bỏ lối tư duy này. Theo đó, chọn nghề phù hợp với năng lực, sở trường bản thân, với hoàn cảnh kinh tế gia đình trong từng giai đoạn chứ không phải chỉ vì không vào được THPT công lập hoặc không đậu đại học. Ngay tại Đức và Nhật Bản, rất nhiều nhà quản lý doanh nghiệp, giáo sư đại học luôn tự hào vì đi lên từ học nghề. Thậm chí, nhiều chuyên gia còn cho rằng người đi lên từ học nghề được đánh giá cao bởi ý thức kỷ luật, không ngại khó ngại khổ, có chí hướng, cầu thị và ham học hỏi.
Ông Nguyễn Quốc Cường - Phó ban Đào tạo Hội Giáo dục Nghề nghiệp TP.HCM, định hướng: Sau khi tốt nghiệp THCS, các em có thể vào học nghề theo các chương trình trung cấp (học trung cấp nghề được miễn học phí), cao đẳng kết hợp với học văn hóa. Cái lợi là tiết kiệm được từ hai đến ba năm so với người học THPT và có thể liên thông lên đại học với thời gian từ 1,5 đến 2 năm.
Trong khi đó, ông Đặng Văn Sáng - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Bách khoa TP.HCM, gợi ý: Học phí các trường nghề thấp, thời gian thực hành thường chiếm từ 50 - 70% rất phù hợp với những học sinh “ngán” học văn hóa. Hơn nữa, cơ hội việc làm đúng ngành nghề thường đạt trên 80% và hầu hết các trường đều cam kết có việc làm với mức thu nhập cao.
Thực tế hiện nay, các trường nghề không đủ học sinh để giới thiệu cho doanh nghiệp do số lượng tuyển sinh thấp hơn nhiều so với nhu cầu tuyển dụng. Các trường nghề hiện đang chiếm ưu thế trong các lĩnh vực cung ứng nhân lực du lịch, dịch vụ, kỹ thuật, công nghệ. Ngược lại, doanh nghiệp rất dễ tuyển người tốt nghiệp đại học nhưng lại gặp khó trong tuyển nhân lực có kỹ năng nghề do cung không đáp ứng đủ cầu.
Thứ trưởng Lê Quân khẳng định, cơ hội thành công sẽ rất cao với các em học sinh có năng lực vào học nghề sau THCS. Tại Nhật Bản, 51 trường cao đẳng công nghệ thuộc hệ thống Kosen tiếp nhận những học sinh khá giỏi hết lớp 9 vào học hệ cao đẳng thực hành 5 năm. Các em này khi ra trường có cơ hội việc làm rất tốt và thu nhập cao.
Theo Giáo dục Online