Năm học 2022 - 2023, học sinh lớp 10 cả nước sẽ bắt đầu chương trình giáo dục phổ thông mới. Khác với quan điểm "tích hợp" ở bậc học dưới, ở bậc THPT chương trình được xây dựng theo hướng phân hóa và gần với định hướng nghề nghiệp của học sinh.
Cụ thể, thay vì học 13 môn học bắt buộc như chương trình hiện hành, chương trình mới ở cấp THPT có bảy môn học và hoạt động bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng và an ninh, hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, nội dung giáo dục địa phương. Các môn học tự chọn gồm tiếng dân tộc thiểu số, ngoại ngữ 2.
Ba nhóm môn học để lựa chọn năm môn học gồm: nhóm môn khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật); khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học); công nghệ và nghệ thuật (công nghệ, tin học, nghệ thuật).
Riêng môn nghệ thuật, gồm hai phân môn âm nhạc và mỹ thuật, thì học sinh được chọn một trong hai phân môn (tính là 1 môn). Trừ môn ngoại ngữ, tất cả các môn học đều xây dựng các cụm chuyên đề. Mỗi học sinh sẽ phải chọn để học ba cụm chuyên đề cùng với các môn học bắt buộc và môn học lựa chọn.
108 cách lựa chọn
"Nếu tính hết các phương án chọn môn học và chuyên đề thì có thể có đến 108 cách lựa chọn. Trong đó sẽ có những môn/tổ hợp môn rất ít học sinh chọn, có môn/tổ hợp môn rất nhiều học sinh chọn.
Điều này sẽ dẫn tới hai vấn đề: giáo viên một số môn học có thể bị thừa hoặc ít việc, các trường có thể không đáp ứng được nhu cầu quá ít của học sinh; hoặc có những giáo viên sẽ bị quá tải, tiền trả thừa giờ cho giáo viên có thể đội lên chóng mặt, cơ sở vật chất không đủ đáp ứng nhu cầu" - một hiệu trưởng trường THPT ở Hà Nội chia sẻ.
Cô Hằng Nga - một hiệu trưởng trường THPT ở Hải Phòng - băn khoăn: "Chúng tôi dự kiến có khoảng 10 lớp 10 cho năm học tới. Xem xét nhu cầu truyền thống từ các năm trước, đa số học sinh sẽ chọn các môn khoa học tự nhiên. Khi còn thực hiện chương trình phân ban, số học sinh chọn ban A chiếm trên 80.
Tới đây khi thực hiện chương trình mới, nếu nhu cầu học sinh cũng ổn định như trước thì không xáo trộn lớn. Nhưng nếu có thay đổi, nhất là khi có nhiều lựa chọn thì chúng tôi lo thiếu giáo viên.
"Nếu trường hợp có những tổ hợp môn/chuyên đề chỉ có dưới 10 học sinh chọn thì có bắt buộc phải mở lớp không? Bộ GD-ĐT có hướng dẫn như thế nào khi xảy ra tình trạng giáo viên thừa nhiều, đồng nghĩa với thất nghiệp hoặc thiếu, khiến tiền trả thừa giờ dâng cao?" - cô Hằng Nga chia sẻ.
Tại Nam Định và Hà Nam, một số hiệu trưởng cũng chung băn khoăn khi hình dung có những nhóm môn học đa số học sinh lựa chọn thì trường rơi vào cảnh thiếu giáo viên và phòng học, trong khi có những tổ hợp khác thì không có học sinh chọn học.
Dự đoán trước những khó khăn
Tại TP.HCM, nhiều hiệu trưởng trường THPT cho biết là đã dự đoán trước những khó khăn khi triển khai chương trình lớp 10 mới.
"Với cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên hiện có, trường chúng tôi chỉ đáp ứng được một số môn trong ba nhóm môn tự chọn như: lịch sử, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật; vật lý, hóa học, sinh học... Riêng môn nghệ thuật - âm nhạc và mỹ thuật thì nhiều trường không có giáo viên.
Nếu học sinh chọn học những môn này thì bắt buộc trường phải hợp đồng với giáo viên bên ngoài. Vậy kinh phí nào dùng để trả lương cho giáo viên thỉnh giảng. Chưa kể, với những môn nghệ thuật đặc thù, nếu trả thù lao thấp sẽ rất khó mời giáo viên" - cô Nguyễn Thị Thanh Trúc, hiệu trưởng Trường THPT Dương Văn Thì, TP Thủ Đức (TP.HCM), cho biết.
Trong khi đó, một hiệu trưởng trường THPT ở quận 1 còn băn khoăn việc cho học sinh tự chọn năm môn học trong ba nhóm môn khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, công nghệ và nghệ thuật ngay từ lớp 10 là không khả thi.
Bởi học sinh mới tốt nghiệp THCS, các em chưa hiểu rõ về năng lực của bản thân. Yêu cầu giáo viên chủ nhiệm lớp 10 phải tư vấn để học sinh chọn môn phù hợp là giao trọng trách quá nặng nề cho giáo viên, bởi họ đã dạy học sinh ngày nào đâu mà biết khả năng của từng em.
"Học bạ bậc THCS cũng chưa phải căn cứ để đánh giá chính xác khả năng thiên bẩm của học sinh, vì cách đánh giá học sinh của các trường THCS có sự "chênh" nhau.
Như vậy, nếu năm lớp 10, học sinh chọn học ba môn thuộc nhóm khoa học xã hội và hai môn nhóm công nghệ và nghệ thuật, nhưng đến năm lớp 11 em lại thay đổi, chuyển từ khoa học xã hội sang khoa học tự nhiên thì sao? Vấn đề cốt lõi là năm lớp 10 em không học khoa học tự nhiên thì lên lớp 11 làm sao em học được?" - vị hiệu trưởng nói thêm.
Theo ghi nhận của phóng viên Tuổi Trẻ, với chương trình THPT hiện hành, hiện hầu hết các trường THPT trên địa bàn TP.HCM đều không phân ban từ lớp 10 mà đến lớp 11 mới tư vấn để học sinh chọn ban.
"Lớp 10 thì tất cả học sinh đều học như nhau. Qua lớp 11, dưới sự tư vấn của giáo viên, học sinh sẽ chọn ban theo định hướng thi vào đại học sau này của bản thân. Vậy nhưng trên thực tế, khi đã hết lớp 11 hoặc hết học kỳ 1 của lớp 12, nhiều em vẫn xin chuyển từ khoa học tự nhiên sang khoa học xã hội và ngược lại. Đương nhiên chúng tôi phải cho học sinh chuyển, chứ không thể ép các em học theo ban cũ khi học sinh than rằng "em học không nổi".
Với chương trình hiện hành, việc chuyển đổi khá dễ dàng vì các lớp dưới học sinh vẫn học đủ môn. Còn chương trình THPT mới thì học sinh tự chọn môn học, làm sao các em chuyển đổi được nhóm môn học khi mà lớp dưới không học những môn đó?" - hiệu trưởng một trường THPT ở quận Gò Vấp phân tích.
Nguồn: Tuổi trẻ online