Theo Nguyên thứ trưởng Bộ Lao động –Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn, gây ra tác động trực tiếp đến người lao động. Sự tham gia của máy móc và công nghệ ngày càng phổ biến vào quá trình sản xuất sẽ gây ra tình trạng dư thừa lao động trong tương lai.
Cách mạng công nghiệp 4.0 đang gây tác động đáng kể đến
thị trường lao động Việt Nam. (Ảnh: Internet)
Dự báo cho thấy, sẽ có khoảng 75% lực lượng lao động ở Việt Nam bị tác động bởi cách mạng 4.0. Các nhân tố khoa học công nghệ được nhận định sẽ thay đổi bản chất nhiều công việc, khiến nhà tuyển dụng sẽ đòi hỏi những kỹ năng phức tạp hơn như hợp tác, đánh giá, ra quyết định, quản lý, sáng tạo… Những lao động giỏi chuyên môn, thông thạo ngoại ngữ và có khả năng thích nghi tốt với môi trường làm việc biến động không ngừng sẽ được đánh giá cao. Đặc biệt, các nhà quyển dụng cho rằng kỹ năng học hỏi tích cực trở thành một yêu cầu cần thiết của mỗi người lao động.
Theo báo cáo của ManpowerGroup, với tổng lực lượng lao động gần 56 triệu người nhưng chỉ có khoảng 11% lao động Việt Nam có kỹ năng tay nghề cao. Do đó, khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đến gần, lực lượng lao động sẽ gặp thách thức rất lớn.
Để chuẩn bị cho nhu cầu tuyển dụng lao động tay nghề cao của xã hội, năm 2019, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã đặt mục tiêu tuyển sinh khoảng 4 triệu người học nghề, tăng gấp đôi so với năm 2018. Cũng trong năm 2019, Bộ Lao động sẽ bắt đầu thực hiện các giải pháp đổi mới giáo dục nghề nghiệp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phù hợp với nhu cầu thị trường, góp phần tăng năng lực cạnh tranh quốc gia.
Đào tạo nghề để nâng cao chất lượng nhân lực được chú trọng
trong cuộc cách mạng 4.0.
Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết “muốn đạt được mục tiêu đó, cần tiếp tục tập trung cao độ cho giáo dục nghề nghiệp, làm sao để cả xã hội, nhất là nhận thức của các bậc cha mẹ và người học dần dần tiệm cận vấn đề, coi việc học nghề là xu hướng tất yếu trong cơ chế thị trường.”
Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng cho người lao động không thể làm chậm lại quá trình phát triển của công nghệ nhưng họ có thể đầu tư nâng cao chuyên môn và kỹ năng cá nhân để thích ứng với đòi hỏi ngày càng khắt khe từ thị trường.
Ông Nguyễn Mạnh Tường – Tổng giám đốc Tek Experts Việt Nam cho biết “máy móc có thể thực hiện những nhiệm vụ mang tính lặp lại và cơ bản nhưng không thể cung cấp những kiến thức và kỹ năng đặc sắc như con người.” Với những ngành nghề đòi hỏi kỹ năng chuyên môn cao, sự sáng tạo và tính tỉ mỉ như nghệ thuật, nấu ăn, thiết kế… thì yếu tố con người vẫn đóng vai trò chủ chốt. Do đó, những lao động có kiến thức chuyên sâu, kỹ năng vững vàng và tinh thần học hỏi, cầu tiến sẽ đối đầu được với sự “đào thải” của quá trình công nghiệp hóa.
Tải: Cơ hội chuyển tiếp Đại học và Du học cùng SITC
Sự chuyển mình của khoa học công nghệ đã tác động lên tư tưởng về giáo dục tại nước ta, khi lựa chọn con đường học nghề để được đào tạo thành một lao động giỏi chuyên môn, vững kỹ năng thực nghề trở thành lựa chọn của nhiều bạn trẻ. Không cần phải vào Đại học, học nghề vẫn mở ra nhiều lựa chọn nghề nghiệp hấp dẫn, thỏa mãn tiêu chí tuyển dụng lao động lành nghề của xã hội. Năm 2018, trong tổng số 2,1 triệu sinh viên tốt nghiệp có khoảng 440.000 người tốt nghiệp hệ Cao đẳng, Trung cấp nghề (số liệu từ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội).