1. Xác định mục tiêu, lên kế hoạch rõ ràng
- Trước khi bắt đầu học tiếng Anh hay bất kỳ ngoại ngữ nào, bạn cần xác định mục tiêu học tập rõ ràng. Chẳng hạn, bạn muốn học tiếng Anh để giao tiếp tại công sở, đi nước ngoài sống hay đi du học. Ngoài ra, bạn cần xác định khoảng thời gian để đạt được mục tiêu đó. Bạn muốn trong vòng 6 tháng phải giao tiếp được với đồng nghiệp, khách hàng người nước ngoài, hay muốn trong vòng một năm, bạn phải thuyết trình được bằng tiếng Anh, đàm phán để mang về cho công ty của bạn những hợp đồng giá trị?
- Mỗi người học đều có mục tiêu khác nhau và việc xác định mục tiêu ngay từ đầu giúp bạn định hướng lộ trình học, tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí đầu tư.
2. Không nên chuyển chỗ học liên tục
- Hiện nay, không khó để tìm được một khóa học tiếng Anh. Bạn chỉ cần vào Google hoặc Youtube, gõ từ "học tiếng Anh", màn hình sẽ hiện ra hàng trăm khóa học, phương pháp ôn luyện. Đây là lợi thế, nhưng cũng là điều có thể khiến người học hoang mang.
- Tâm lý người học bao giờ cũng nôn nóng, muốn học thật nhiều kiến thức để mau giỏi tiếng Anh. Tuy nhiên, những thông tin, tài liệu được chia sẻ dù có hữu ích cũng không theo một lộ trình nhất định. Khi bạn đọc và làm theo quá nhiều thông tin từ các nguồn khác nhau, bạn sẽ vô tình học đi học lại những nội dung trùng nhau mà không tiến bộ được, chỉ "giẫm chân tại chỗ".
- Lời khuyên là bạn hãy chọn một thầy cô mà bạn tin tưởng, thẳng thắn trao đổi với về mục tiêu học tập của bạn và kiên trì theo đuổi đến khi hoàn thành mục tiêu.
3. Không mua quá nhiều tài liệu mà không học hết
- Nhiều người học có thói quen thấy sách gì hay cũng mua, thấy ứng dụng nào tốt cũng tải, nhưng chẳng bao giờ xem lại hay đụng đến những gì đã mua. Việc mua sách vở, tài liệu khác với việc bạn thực sự học.
- Hãy chọn một giáo trình phù hợp và hoàn thành tất cả cấp độ của bộ giáo trình đó. Bạn nên chọn sách, tài liệu của các nhà xuất bản uy tín thế giới như Macmillan, Oxford, Cambridge.
- Thông thường, các tác giả bản ngữ sẽ thiết kế bộ sách ấy theo các cấp độ từ dễ đến khó, dành cho trình độ từ Beginners (những người mới bắt đầu học) cho đến Advance (cấp độ nâng cao và khó nhất). Thường thì những giáo trình này sẽ được sắp xếp theo các cấp độ:
- Sơ cấp (Dễ nhất): Beginning, Beginners, Starters
- Trung cấp (Mở rộng hơn): Intermediate, Developing, Mediate
- Cao cấp (Khó nhất): Advance
- Bạn chỉ cần chọn một bộ giáo trình phù hợp và kiên trì học hết.
4. Bắt đầu bằng kỹ năng Listening
- Để giỏi ngoại ngữ, Listening (nghe) là kỹ năng đầu tiên và quan trọng. Điều này hoàn toàn giống với việc trẻ em trước khi biết nói thì đã nghe rất nhiều người xung quanh nói chuyện rồi bắt chước, tập nói theo.
- Bạn có thể thực hành năm bước luyện nghe dành cho người mới bắt đầu học tiếng Anh và rèn luyện kỹ năng của mình.
5. Không ngại nói sai
- Hầu hết khi mới bắt đầu học, mọi người rất ngại nói tiếng Anh. Một phần vì người học không có nhiều từ vựng để diễn tả hết suy nghĩ của mình, trong khi những người khác e ngại vì phát âm không đúng.
- Thật ra, trong quá trình học tiếng Anh, bạn cần tận dụng cơ hội để luyện tập càng nhiều càng tốt. Những giờ luyện tập chính là cơ hội để bạn sửa các lỗi sai. Bạn càng phát biểu nhiều, giáo viên mới biết bạn cần phải hoàn thiện điều gì và chỉnh sửa cho bạn.
- Nếu không có điều kiện để học với giáo viên, bạn có thể tự tạo môi trường luyện tập tiếng Anh bằng cách tự đứng trước gương, nói chuyện với chính mình.
Nguồn: VNEXPRESS