- Luôn lạc quan trong cuộc sống
Năm 21 tuổi, Stephen Hawking mắc hội chứng teo cơ, liệt toàn thân, chỉ cử động được hai mắt và ba ngón tay. Vì trí óc không bị ảnh hưởng nên Hawking không ngừng thử thách bản thân và tích cực tham gia các hoạt động khác nhau.
Hawking thường tự lái xe lăn tới văn phòng. Thái tử Anh Charles từng nhận xét: "Ông là người sôi nổi nhất tôi từng gặp".
Đối với nhà vật lý này, cuộc sống là chuỗi ngày bất ngờ thú vị. Ông không ngại tham gia vào thử thách dội nước đá lên đầu hay biểu diễn bài hát yêu thích của ban nhạc rock Pink Floyd tại một chương trình truyền hình. Năm 2007, ở tuổi 65 tuổi, Hawking cũng trải qua chuyến bay không trọng lực đầu tiên trong đời, thậm chí còn trở thành diễn viên phụ trong các bộ phim "The Simpsons" hay "Flying Out of the Future".
Khi phóng viên hỏi,làm sao ông vẫn giữ được tinh thần tốt như vậy dù bệnh tật, Hawking trả lời: "Kỳ vọng của tôi đã giảm xuống bằng 0 khi tôi 21 tuổi. Kể từ đó, tất cả mọi thứ đều là phần thưởng". Hawking cũng từng nói với các con của mình: "Nếu cuộc sống không còn niềm vui, đó sẽ là một bi kịch".
- Không ngừng tò mò
Từ năm 9 tuổi, Hawking đã được mệnh danh là "chuyên gia tháo lắp đồng hồ" bởi ông rất tò mò với những linh kiện nhỏ bé. Sau này, trong văn phòng làm việc của ông có dán dòng chữ: "Dù ở thời điểm nào, chúng ta không được quên bầu trời đầy sao phía trên, chúng ta phải luôn tò mò và mãi mãi tiến về phía trước". Sự tò mò thúc đẩy ông khám phá những bí ẩn của vũ trụ.
Người đàn ông này từng nói: "Mục tiêu của tôi rất đơn giản, đó là có được sự hiểu biết toàn diện về vũ trụ. Tại sao vũ trụ lại như thế này và vì sao nó lại tồn tại". Bởi vậy theo ông, một nền giáo dục tốt có thể khai phá được tiềm năng của mỗi người. "Chúng ta cần bảo vệ tính tò mò của trẻ, để nó bén rễ, phát triển từ từ và cuối cùng trở thành khả năng tư duy". Nuôi dưỡng trí tò mò không chỉ là truyền kiến thức mà còn giúp trẻ tìm thấy động lực học tập và tự trau dồi khả năng.
Hawking từng nói với các con: "Dù cuộc sống có khó khăn đến đâu, hãy luôn giữ một lòng hiếu kỳ. Chắc chắn con sẽ tìm ra con đường của chính mình và đạt được thành công".
- Ý chí kiên trì
Sau khi Hawking mắc bệnh, bác sĩ chẩn đoán ông chỉ còn sống được hai năm. Người bình thường, chắc sẽ mất hy vọng, nhưng Hawking đã chứng minh nhận định trên là sai. Với khát vọng sinh tồn mãnh liệt, ý chí kiên cường, ông đã tạo nên một kỳ tích.
Dù mắc bệnh nan y, Hawking vẫn hoàn thành chương trình tiến sĩ tại Đại học Cambridge, kết hôn, nghiên cứu khoa học và trở thành nhà khoa học nổi tiếng thế giới. Ông từng nói, trên đời này không gì là không giải quyết được, chỉ có sinh tử là vấn đề duy nhất con người khó kiểm soát. "Nhưng đến một mức độ nào đó, con người vẫn có thể vượt qua được", ông khẳng định.
Hawking đã sử dụng kinh nghiệm sống của mình để nói với các con: "Những nỗ lực của con người không nên có ranh giới. Chúng ta rất khác nhau. Dù cuộc sống có tồi tệ đến đâu, luôn có điều con có thể làm và thành công. Ở đâu có cuộc sống, ở đó có hy vọng".
- Thừa nhận sai lầm
Hawking thích trò cá cược nhưng ít khi gặp may mắn. Năm 1997, ông đã đánh cược với một nhà khoa học rằng có một lỗ đen sẽ nuốt chửng và phá hủy mọi thứ trên Trái Đất. Năm 2004, Hawking thừa nhận đây là sai lầm lớn nhất trong cuộc đời ông, "ít nhất là sai lầm lớn nhất trong khoa học". Trên con đường nghiên cứu và khám phá khoa học vũ trụ không thể tránh khỏi những sai lầm, và ông luôn dũng cảm thừa nhận sai lầm của mình.
Nhà triết học người Đức Hegel từng nói: "Chỉ những ai luôn nằm dưới đáy hố và không bao giờ nhìn lên các vì sao mới không bị rơi xuống hố". Hawking dùng chính thực tế này để nói với các con: "Dù có bị nhốt trong vòng vây, ta vẫn coi mình là vua của không gian vô tận. Sai lầm không thể tránh khỏi, nhưng dũng cảm thừa nhận sai lầm còn đáng quý hơn".
Nguồn: Vnexpress